Sức ép về một lệnh ngừng bắn ở Gaza ngày càng tăng với Israel. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 6/11 cảnh báo Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa của trẻ em",ởngạivớitriểnvọngngừngbắnởbăng cá nhân nhận định thảm họa tại khu vực "khiến lệnh ngừng bắn nhân đạo trở nên cấp thiết hơn sau mỗi giờ".
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thảo luận về phương án "tạm ngừng chiến thuật" hoạt động không kích vào Dải Gaza để tạo điều kiện cho nỗ lực cứu trợ nhân đạo.
Nhưng các nỗ lực này đến nay đều không thành công. Ông Netanyahu tuyên bố sẽ không có bất cứ lệnh ngừng bắn nào ở Gaza trước khi Hamas phóng thích toàn bộ con tin mà nhóm này đang giam ở dải đất.
Kể từ năm 2007, thời điểm Hamas lên nắm quyền ở Dải Gaza, nhóm này và Israel đã nhiều lần đàm phán về các lệnh ngừng bắn nhằm duy trì "trạng thái cân bằng" giữa hai bên mỗi khi bạo lực leo thang, theo Tareq Baconi, thành viên của mạng lưới nghiên cứu Palestine Al-Shabaka.
"Cứ vài năm hoặc vài tháng, Hamas sẽ phóng rocket vào Israel khi các biện pháp hạn chế do Tel Aviv áp đặt trở nên quá ngột ngạt. Căng thẳng sẽ leo thang tới khi hai bên đạt được lệnh ngừng bắn thông qua đàm phán, trong đó Israel buộc phải nới các biện pháp phong tỏa", Baconi nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cuộc chiến lần này giữa Israel và Hamas có thể kéo dài khi không bên nào chấp nhận nhượng bộ. Những lệnh ngừng bắn liên tục đổ vỡ trước đây cho thấy đây có lẽ không phải giải pháp hoàn hảo cho xung đột.
"Những bên đang kêu gọi ngừng bắn không hiểu Hamas. Đó là điều không thể", cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu tại Viện Baker của Đại học Rice, Mỹ tuần trước. "Đó sẽ là món quà cho Hamas, bởi họ sẽ có thêm thời gian củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí để chống lại cuộc tấn công của Israel".
Trong những cuộc xung đột trước đây, Israel hài lòng với việc gây thiệt hại đáng kể cho Hamas trước khi chấp nhận lệnh ngừng bắn. Song lần này, giới quan sát cho rằng Tel Aviv sẽ không chấp nhận giải pháp "nửa vời" như vậy.
Cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10 đã thay đổi cơ bản tư duy an ninh của Tel Aviv. Thay vì tìm cách kiềm chế Hamas, họ giờ đây muốn loại bỏ hoàn toàn nhóm vũ trang này bằng chiến dịch không kích quy mô lớn và các mũi tấn công bằng bộ binh đang bao vây Gaza City, thành trì lớn nhất của Hamas.
"Người Israel giờ đây không muốn chỉ làm suy giảm lực lượng của Hamas. Họ muốn cái gì đó triệt để hơn nhiều so với những gì xảy ra trong quá khứ", Nabeel Khoury, chuyên gia tại Trung tâm Arab ở Washington, Mỹ, nói.
Ezzedine Choukri Fishere, cựu nhà ngoại giao Ai Cập, cho rằng lệnh ngừng bắn duy nhất mà Israel có thể chấp nhận hiện nay phải đi kèm với điều kiện xóa bỏ hoàn toàn năng lực quân sự và chính trị của Hamas. "Tôi không nghĩ rằng bất cứ bên nào có thể đáp ứng được điều kiện đó trong tình cảnh hiện nay", ông nói.
Thủ tướng Netanyahu nói rõ rằng mục tiêu của Isrel là "hủy diệt" Hamas và giải cứu con tin, nhưng đây dường như là hai nhiệm vụ đối lập nhau mà Tel Aviv chưa tìm ra giải pháp "vẹn cả đôi đường".
"Nghịch lý hiện tại là cuộc đột kích đẫm máu ngày 7/10 thuyết phục giới lãnh đạo Israel rằng họ phải xóa sổ Hamas, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy họ có thể đạt được mục tiêu đó bằng vũ lực mà không gây tổn hại đến các con tin", Jonathan Guyer, nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại của Vox, cho hay.
Việc đang giữ hơn 240 con tin mang lại cho Hamas đòn bẩy rất lớn, đồng thời ngăn cản Israel đơn phương đồng ý ngừng cuộc tấn công vào Gaza.
"Mọi phương án hiện tại đều rơi vào bế tắc. Hamas nói rằng họ sẽ không đàm phán về con tin cho đến khi có lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, Israel chỉ chấp nhận ngừng bắn khi con tin được thả vô điều kiện", Guyer cho hay.
Thủ tướng Netanyahu nói rằng chiến dịch tấn công trên bộ của Israel sẽ gây sức ép lớn đến mức Hamas phải chấp nhận thả con tin. Song hiện tại, các cuộc oanh tạc liên tục và vòng vây của Israel tại Gaza City dường như không khiến Hamas nao núng.
Việc Israel kiên quyết khước từ lời kêu gọi ngừng bắn mà các tổ chức quốc tế như Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Lương thực Thế giới (FAO), Tổng thư ký LHQ và Giáo hoàng đưa ra đã khiến sự ủng hộ quốc tế đối với chiến dịch của Israel đang giảm dần.
Điều này cũng tăng áp lực lên các quan chức chính quyền Biden. Phó tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi "tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza". Ngoại trưởng Antony Blinken đã tới Trung Đông và thúc đẩy ông Netanyahu tạm ngừng chiến dịch để cho phép viện trợ nhân đạo tới khu vực, nhưng chưa thể thuyết phục được Tel Aviv thay đổi quan điểm.
"Hiện không có con đường nào dễ dàng để đạt được lệnh ngừng bắn", Jonathan Guyer cho hay.
Dù các lệnh ngừng bắn trước đây có hiệu quả hạn chế, chúng vẫn cho thấy một số bài học. Đầu tiên, các bên thứ ba như Ai Cập, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò không thể thiếu với quá trình này.
Chuyên gia Khoury cho rằng Qatar, bên cung cấp nhiều hỗ trợ cho Hamas, có tầm ảnh hưởng với nhóm vũ trang này lớn nhất. Đầu tuần này, người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel đã tới Doha, dường như để thảo luận về sự ủng hộ của Qatar với Hamas.
Khoury cho biết Qatar có thể giúp giải quyết xung đột lần này, nhưng Mỹ và Israel sẽ phải sẵn sàng chấp nhận vai trò của Hamas ở mức độ nào đó tại Dải Gaza. "Họ có thể yêu cầu giải giáp Hamas, nhưng nếu họ khăng khăng muốn xóa sổ nhóm, Qatar không thể giúp", Khoury nói.
Mỹ cũng sẽ phải tăng cường vai trò của mình ở hậu trường. Đến một lúc nào đó, đội ngũ của ông Biden sẽ cần nói rõ ràng hơn với Israel rằng Mỹ không thể chấp nhận những hành động đi quá xa.
Cuối cùng và quan trọng nhất là phải có kế hoạch rõ ràng hơn về những gì sẽ xảy ra với Dải Gaza sau lệnh ngừng bắn, điều mà chính phủ Israel tới nay vẫn né tránh.
"Nếu không có con đường chính trị để giải quyết câu hỏi về vấn đề kiểm soát khu vực, bất kỳ điều gì Israel làm bây giờ sẽ là vô nghĩa. Chúng ta sẽ lần nữa đối mặt với vấn đề này, có thể là trong tương lai không quá xa", Fishere cảnh báo.
Thanh Tâm(Theo Vox)